Các nghiên cứu gần đây cho thấy nếu một cơn đau tim bất ngờ xảy ra với người lái xe, hậu quả đối với những người ngồi trong xe lẫn bất cứ ai gần chiếc xe đang chạy hẳn rất khủng khiếp.
Để giải quyết vấn đề đó, Toyota đang nghiên cứu việc tích hợp công nghệ chẩn đoán tình trạng tim mạch của người lái vào những chiếc xe của hãng, từ đó có thể dự đoán tình trạng bệnh và đưa chiếc xe dừng lại một cách nhanh chóng và an toàn.
Mặc dù tương lai về những chiếc xe tự lái sẽ không còn xa và những công nghệ như thế sẽ không còn đất sống, nhưng chắc chắn rằng quá trình thay đổi công nghệ từ xe ôtô có người lái sang xe không người lái sẽ diễn ra một cách từ từ, và kế hoạch của Toyota có thể là một giải pháp tạm thời để tăng sự an toàn, tránh xảy ra các tai nạn đáng tiếc.
Để phát triển một hệ thống như vậy, Trung tâm Nghiên cứu An toàn của Toyota (bang Michigan, Mỹ) đã phối hợp với Kayvan Najarian, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tổng hợp về Chăm sóc Sức khỏe Michigan trong thời gian qua để tìm kiếm giải pháp khả thi nhất.
Theo đó, giải pháp nhúng một hệ thống điều khiển trong xe nhằm theo dõi và dự đoán các bất thường về tim mạch là tốt ưu nhất.
“Khi điều kiện chăm sóc y tế được cải thiện, sẽ có một lượng lớn các lái xe là người lớn tuổi, và điều này có thể làm tăng nguy cơ xảy ra các sự cố y tế trong khi lái xe”, ông Najarian cho biết.
Một trong những thách thức của nhóm nghiên cứu là tạo ra một thuật toán có hiệu quả để đưa ra các chẩn đoán chính xác về tình trạng tim mạch.
Bất cứ một sai sót nào từ hệ thống chẩn đoán sẽ gây ra phiền nhiễu cho người lái xe khi xe bị dừng đột ngột, và nghiêm trọng hơn, sẽ khiến người lái xe trở nên căng thẳng vì lo lắng một cơn đau tim sẽ xảy ra trong khi trên thực tế họ hoàn toàn khỏe mạnh.
“Một thách thức nữa là hệ thống chẩn đoán đủ nhạy để có thể phát hiện những thay đổi nhỏ trong nhịp tim, nhưng nó cũng phải phân biệt được các tiếng ồn và chuyển động ở trong xe”, ông Pujitha Gunaratne, đại diện của Toyota cho hay.
Tại thời điểm hiện tại, nhóm nghiên cứu đang tìm kiếm các thiết bị phần cứng bao gồm các cảm biến có thể gắn trong xe và màn hình, hay thậm chí được tích hợp trong các bộ phận khác của xe như dây an toàn và vô lăng.
Mặc dù khá hiếm việc xảy ra một trường hợp đau tim khi đang lái xe, nhưng một hệ thống chẩn đoán tim mạch như vậy có thể chứng minh được hiệu quả nếu vạn nhất xảy ra sự cố thông qua việc ngừng chiếc xe khi người lái xe mất khả năng điều khiển ôtô.
Thậm chí, hệ thống còn có thể được nâng cấp bằng cách tự động gửi tín hiệu đến bệnh viện gần nhất để các bác sĩ có thể nhanh chóng tiếp cận người lái xe để kịp thời hỗ trợ y tế.
Nguồn: Tuổi Trẻ